Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

MC Minh Trang bật mí lý do 'muốn đẻ luôn bé thứ 3, thứ 4'

10 ngày sau ca sinh nở lần 2, MC Minh Trang khiến người hâm mộ, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa bất ngờ khi chia sẻ trên facebook cá nhân rằng “muốn sinh luôn bạn thứ 3, thứ 4 để nuôi một thể, vì hạnh phúc lắm, khỏe lắm, vui lắm, và cũng không vất vả lắm.” Nếu như các mẹ thường lo sợ sẽ vất vả, cuộc sống sẽ bị đảo lộn sau khi gia đình đón thêm thành viên mới thì với gia đình MC xinh đẹp này lại cảm thấy rất nhẹ nhàng. Tất cả đều do Minh Trang biết cách sắp xếp cuộc sống, công việc  để “quãng thời gian chào đón thành viên mới sẽ trở nên trọn vẹn và nhẹ nhàng hơn.”

Minh Trang cho biết, hiện tại sau 10 ngày sinh thường bé thứ 2, cả thể trạng lẫn nhịp sống của cô đã trở lại 100% như lúc trước khi sinh. Cô đã có thể “đi bộ lượn lờ ra hàng thực phẩm sạch đầu phố mua đồ, đi gội đầu ở cuối phố, nấu nướng rửa bát, ngày vẫn dành ra được 3-4 giờ làm việc với máy tính, và còn có cả thời gian đưa Daisy đi thư viện mượn sách và mua sắm quần áo cho bạn ấy.”

Nữ MC xinh đẹp cũng cho biết nhà cô không ở cùng ông bà, cũng không có người giúp việc ngủ qua đêm mà chỉ thuê giúp việc theo giờ, bé Daisy vẫn ở cùng bố mẹ nhưng từ khi sinh bé thứ 2, cuộc sống gia đình không hề bị xáo trộn. “Mình muốn chia sẻ với các ông bố và mẹ tương lai rằng "sợ vất vả", "sợ không lo nổi"... hoàn toàn không hề phải, và không nên là lý do để sợ việc sinh đẻ nếu các bạn thực sự đủ khả năng tài chính và kiến thức để chào đón thiên thần nhỏ của mình. Ngay cả khi không có điều kiện ở cùng để được ông bà nội/ngoại đỡ đần/chăm sóc thì mọi chuyện vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát được và không vất vả, khủng khiếp tẹo nào nếu vợ chồng thẳng thắn chia sẻ cùng nhau và khéo léo sắp xếp.”

 mc minh trang bat mi ly do 'muon de luon be thu 3, thu 4' - 1

Sau 10 ngày sinh thường bé thứ 2, cả thể trạng lẫn nhịp sống của MC Minh Trang đã trở lại 100% như lúc trước khi sinh.

Dưới đây là những gì Minh Trang đã và đang làm, hy vọng có thể gợi ý cho các bạn một vài cách sắp xếp cuộc sống, công việc để quãng thời gian chào đón thành viên mới sẽ trở nên trọn vẹn và nhẹ nhàng hơn:

1. Người giúp việc hàng ngày, theo giờ

Căn hộ của nhà mình nhỏ xinh nhưng cũng đủ có 2 phòng ngủ (cho vợ chồng mình và bạn Daisy) thêm người giúp việc ngủ lại sẽ rất bất cập chuyện ăn ngủ, quãng thời gian riêng tư của cả nhà cũng sẽ không còn được như trước, mình cũng không muốn bạn Daisy quen với việc có giúp việc ở cùng nên phương án có giúp việc toàn thời gian bị loại đầu tiên. May mắn cho mình là có người quen giới thiệu cho 1 mối chuyên giới thiệu các bạn sinh viên giúp việc, package của mình chọn là làm cả tuần (trừ chủ nhật) ngày 4 tiếng. Một tháng là 1,8 triệu. Quá hợp lý về thời lượng và chi phí. Em giúp việc nhà mình là một em sinh viên, ngoan và rất chịu khó. Hàng ngày em ấy lau dọn nhà, rửa bát, giặt quần áo, sơ chế thực phẩm (nhặt rau, gọt hoa quả, vắt cam... ). Nói chung 4 tiếng/ngày là rất dư giả.

2. Đi chợ online

Hãy tận dụng tối đa facebook và internet cho quãng thời gian này. Tuy bị bạn chồng quản thúc vụ dùng điện thoại những ngày đầu mới sinh, nhưng vài phút check facebook hay nhắn tin/ điện thoại cũng không chết được (mà cùng cực hữu dụng là đằng khác). Mình giao hẹn sẵn các cửa hàng thực phẩm sạch vẫn thường mua về việc chuẩn bị sinh và tìm hiểu về việc ship hàng tận nhà từ trước. Chỗ nào cũng rất vui vẻ và đều hứa sẽ freeship bất kể giá trị đơn hàng. (Cái bụng bầu đôi khi lợi hại thế đấy).Thế là từ hôm sinh, đều đặn 8 giờ sáng đều nhận được tin nhắn của các chỗ đó, bắt đầu bằng "Chị Trang ơi, hôm nay cửa hàng em có abc, xyz...". Mình chỉ cần alo 1 phút là gạo hữu cơ hay rau quả thịt cá tươi ngon hàng ngày đều được giao đến tận cửa.

 mc minh trang bat mi ly do 'muon de luon be thu 3, thu 4' - 2

Nhờ biết cách sắp xếp cuộc sống, công việc mà quãng thời gian chào đón thành viên mới của gia đình MC Minh Trang trở nên trọn vẹn và nhẹ nhàng hơn nhiều.

3. Thủ thỉ đề xuất, và bị bất ngờ

Mình đẻ thường, được lưu viện 1 đêm. Sau khi ra viện, cái bỉm đầu tiên lẫn lần tắm đầu tiên của Bánh Mì là bạn chồng mình "tự xử". Đêm con thường dậy ăn sữa 3 lần 12h đêm, 4h sáng và 7h sáng. Mình đi ngủ lúc 11h tối, trước khi ngủ sẽ hút sữa kiệt 2 bên ngực, bạn chồng thức làm việc đến 12h đêm sẽ cho con ti bình rồi ngủ 1 giấc đến sáng. Mình chỉ phải dậy 4h và 7h, mỗi lần dậy trung bình 30-45ph (vừa cho con ti, vỗ ợ, thay bỉm...). Trưa mình ngủ bù 2-3h là đủ.

Sáng bạn chồng gọi Daisy dậy, làm đầy đủ các thủ tục buổi sáng rồi đưa bạn ấy đi học, đến lớp là 7h30 rồi lại đi làm bình thường. Tối về, sau bữa cơm, 2 bạn lớn sẽ lại đưa nhau đi tắm rửa, ôn bài, đọc sách ê a... Cảm giác chăm chút cho những người mình yêu thương thực sự rất hạnh phúc và gắn kết. Quãng thời gian mới sinh các mẹ thường dễ bị hút vào các bạn bé, và "bỏ quên" bạn lớn. Nhưng nếu biết cách "dụ dỗ" bạn lớn cùng chia sẻ việc chăm sóc gia đình, niềm hạnh phúc sẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần. Sau này con cái lớn, đây sẽ là những kỷ niệm tuyệt vời nhất đấy. Vì thế mình luôn khuyên các bạn mình, nếu có thể, hãy đừng thuê giúp việc ngủ lại, đừng về nhà ngoại, đừng nhờ vả ông bà... Ông bà nhà mình ngày nào cũng đến chơi, bế bạn bé, "tiếp chuyện" chị lớn Daisy.

Riêng với Daisy, hai chữ "chị lớn" thật là kỳ diệu với bạn ấy. Đó không chỉ là việc có em, mà là việc bạn ấy đã lớn thực sự và trở thành một người có trách nhiệm hơn. Trái với việc mọi người thường sợ, mẹ đẻ em, anh/chị lớn sẽ ít được quan tâm hơn, Daisy rất hào hứng với việc có em, ngày nào đi học về là cũng nhảy chân sáo vào phòng ôm hôn bế em 1 lúc mới chịu. Mình rất hay nói chuyện với Daisy về việc trở thành anh/chị và về việc có em từ khi mang bầu, đến khi sinh em, Daisy được vào với em ngay trong phòng đẻ chứ chẳng đợi được đến khi mẹ về phòng nghỉ. Mình vẫn giao cho bạn ấy một số đầu việc nho nhỏ (soạn và gấp quần áo của em, úp bình sữa và dụng cụ hút sữa đã khô cho mẹ, đưa nôi, đọc truyện cho em...). Được chăm em, đỡ đần bố mẹ, là một người chị có trách nhiệm tuyệt vời lắm lắm ấy.

 mc minh trang bat mi ly do 'muon de luon be thu 3, thu 4' - 3

Bé Daisy rất hào hứng với việc có em bé.

4. Lên trước kế hoạch bữa ăn, món ăn cho tuần đầu sau sinh

- Mình sinh ở tuần 42. Bố mẹ và con cùng thi gan, cuối cùng con thắng. Cơ địa của mình là cơ địa đa ối, nên tuần 42 ối vẫn nhiều, mọi thứ vẫn bình thường, thế là tay trong tay với bạn chồng ung dung vào viện truyền oxytocin. Có 2 tuần thêm nên cũng dư giả thời gian để chuẩn bị.

- Dinh dưỡng sau sinh quan trọng lắm, vì mẹ sẽ mất máu sau cuộc đẻ, rồi ăn làm sao để đảm bảo sữa cho con... Mình lên sẵn các món sẽ ăn trong 1 tuần đầu sau sinh để chủ động về nguyên liệu và sơ chế.

- Mình nói không với móng giò (và các món siêu mỡ, ít chất nói chung), nói không với chè vằng (và các loại chè/thức uống nhiều nước ít chất nói chung). Mình uống 50% sữa tươi thanh trùng không đường, và 30% là sữa bầu, còn lại là nước từ canh, hoa quả. Một ngày đảm bảo lượng chất lỏng nạp vào cơ thể từ 3-4L là được, nếu uống chè vằng, vô hình chung nạp rất nhiều nước lọc và 1 vài gram thứ cao chè vằng đấy vào người mà chẳng còn chỗ cho các loại nước giàu dinh dưỡng và vitamin khác nữa!

- 1 điều tối quan trọng nữa là thực đơn phải đảm bảo thật nhiều rau xanh và hoa quả. Vì điều tồi tệ nhất của những mẹ sinh thường, phải khâu, chính là táo bón hoặc phải rặn khi đại tiện.

- Các món mình ăn:

+ Cháo chim bồ câu hầm với hạt dẻ, đỗ xanh nguyên vỏ
+ Gà hầm vị thuốc bắc (mình cho gấp đôi lượng kỷ tử, ý dĩ và táo đỏ)
+ Bắp bò hầm củ sen
+ Sườn non hầm bí đỏ, khoai tây, cà rốt, đậu hà lan
+ Canh rau ngót thịt băm
+ Củ dền luộc chấm muối vừng hoặc kho quẹt (củ dền đỏ cực nhiều Vitamin C và Sắt, lượng Canxi còn nhiều hơn cả cải bó xôi, nói chung là rất tốt cho mẹ sau sinh nhé)
+ Các loại củ quả luộc (súp lơ xanh, đỗ quả xanh, cà rốt, su su...)
+ Zucchini noddle (bí ngồi nạo thành sợi dài như sợi mì và xào với cà chua, tôm/mực...)

Cả nhà ăn theo chế độ bà đẻ, và khen ngon nức nở, rất là happy.

 mc minh trang bat mi ly do 'muon de luon be thu 3, thu 4' - 4

Gia đình hạnh phúc của MC Minh Trang. (Ảnh: Hà Tiến Anh)

5. Những đồ thiết yếu, phải mua, và nên mua số lượng lớn hơn bình thường

Những vật dụng tiện lợi giúp mình rất rất nhiều, vừa tiết kiệm thời gian, công sức lại hiệu quả và an toàn lắm.

- Bỉm: Tuy đắt hơn 1 chút, nhưng so với tã giấy hoặc miếng lót sơ sinh... sẽ tiết kiệm bao nhiêu công sức giặt đồ vì bị dính bẩn ra quần áo của em bé/gia trải giường... (cứ hình dung việc dùng băng vệ sinh có cánh với không cánh mà xem).

- Khăn xô/khăn sữa: bé sơ sinh sẽ không tránh được việc thường xuyên sựa sữa. Thay vì mua 5 chiếc khăn xô, hãy mua 20 chiếc. Để có thể nguyên 1 ngày, nhất là lúc đêm hôm, con dùng thoải mái vẫn không phải lọ mọ dậy giặt khăn.

- Phụ kiện hút sữa, bình sữa: thay vì có 1 bộ ống, van... mình mua 3 bộ. Như thế có thể hút sữa liên tục 3 lần mới phải đi rửa. Bình sữa thì nhất định nên có ít nhất 3 chiếc, vì đằng nào con cũng dùng đến khi lớn.

- Miếng lót thấm sữa: mình mang ơn người nào phát minh ra cái thứ này, vì nếu không những mẹ sữa như mình không thể làm nổi việc gì. chỉ chăm chăm lo cái áo lót bị ướt và sữa chảy tong tỏng mất!

- Áo lót cho con bú: nên mua 3-5 cái, loại càng mềm càng tốt. Mình được các bác sỹ và các mẹ sữa khuyên nên mặc áo lót thường xuyên, cả khi đi ngủ. Một phần là vì còn có chỗ để dính miếng lót thấm sữa, 1 phần vì đảm bảo vòng 1 không bị chảy xệ sau quãng thời gian cho con bú.

- Túi quấn/túi ủ em bé (Baby swaddle): quấn chặt giúp bé không bị giật mình, ngủ ngon hơn, cảm giác bớt chuếnh choáng sau khi ra khỏi cái bụng chặt chẽ của mẹ. Khăn vuông/tam giác thông thường quấn là ok nhưng dễ bị xô lắm, mình dùng loại túi ủ dạng kèn, có các miếng dính giữa các lớp quấn, dễ quấn hơn mà giảm thiểu bị xô. Loại dành cho mùa đông có lớp lông cực ấm bên trong. Nên có khoảng 4 chiếc vì tháng đầu tiên bé sẽ chủ yếu dùng túi ủ.

- Nồi ủ: nhà tớ có 2 cái nồi ủ Thermos (1 cái nhà có sẵn, 1 cái mượn của bà ngoại). Nồi ủ cực kỳ tiện dụng cho các món ninh/hầm, nấu cháo, súp. Chỉ cần cho lõi nồi lên bếp. đun sôi bùng 5-10 phút rồi cho lại vào vỏ nồi, ủ càng lâu sẽ càng nhừ, không bị bốc hơi nước, không lo bị rào, tiết kiệm gas mà nhàn tênh ấy.

Có ông bà ở cùng, hay có giúp việc, hay tự thân vận động như nhà tớ, phương án nào cũng có những ưu nhược điểm riêng, tuy nhiên, chắc chắn, phương án "tự thân vận động" sẽ luôn tạo nên những kỷ niệm không thể nào quên cho cả 2 vợ chồng, và các bạn be bé nữa.

3 yếu tố khi sinh giúp dự báo sức khỏe của trẻ

Ngoài chế độ ăn uống, tập thể dục và lối sống khoa học thì gen của một con người khi sinh ra ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe trong tương lai. Bên cạnh yếu tố về lịch sử gia đình có thể di truyền về ngoại hình, tính cách, tuổi thọ… thì các yếu tố như cân nặng khi sinh, tuổi của người mẹ khi sinh con hay thứ tự sinh cũng có thể cho chúng ta biết về nguy cơ bệnh tật sau này.

Dưới đây là 3 yếu tố có thể dự báo sức khỏe trong tương lai:

Nếu em bé sinh ra nặng hơn 4,5kg hoặc nhẹ hơn 2,7kg…

Nếu em bé sinh ra nặng hơn 4,5kg hoặc nhẹ hơn 2,7kg thì trong tương lai bé sẽ dễ gặp các vấn đề về thị giác, thính giác và nhận thức khi bước vào tuổi trung niên. Nghiên cứu được thực hiện với trên 400.000 người của đại học Manchester (Anh) cho thấy các vấn đề này xuất phát trừ việc không nạp đủ chất dinh dưỡng trước khi sinh hoặc do hormone tăng trưởng bất thường sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ.

 3 yeu to khi sinh giup du bao suc khoe cua tre - 1

Các yếu tố như cân nặng khi sinh, tuổi của người mẹ khi sinh con hay thứ tự sinh có thể cho chúng ta biết về nguy cơ bệnh tật sau này. (ảnh minh họa)

Nếu người mẹ sinh con khi đã ngoài 30 tuổi…

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội tâm lý Mỹ, những phụ nữ qua tuổi 30 thường gặp vấn đề về căng thẳng, trầm cảm hơn so với phụ nữ còn trẻ. Chính điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý khi mang bầu và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến em bé trong tương lai. Các nhà khoa học cũng cho biết khoảng cách 30 tuổi khiến mỗi quan hệ giữa mẹ và con gái trở nên căng thẳng hơn. Bà mẹ lớn tuổi nhiều khả năng gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong khi con gái vẫn còn trẻ, từ đó dẫn đến những bất ổn tâm lý.

Tuy nhiên, có một điều thú vị là đàn ông dường như không bị ảnh hưởng bởi vấn đề tuổi tác. Lý do được đưa ra là có thể do họ ít chịu trách nhiệm chăm sóc bố mẹ khi về già.

Nếu bé là con đầu lòng…

Em bé là con đầu lòng có nguy cơ cao mắc chứng béo phì hơn các em mình. Theo một nghiên cứu với sự tham gia của 13.000 cặp chị em gái ở Thụy Điển cho thấy 40% bé gái đầu lòng bị thừa cân. Hiện tượng tương tự cũng xuất hiện ở các bé trai. Nguyên nhân được đưa ra là có thể là do lưu lượng máu tới nhau thai vào những bào thai sau thường được hưởng môi trường tốt hơn bào thai đầu tiên.

‘Kim siêu vòng ba’ bật mí chiêu để có cả tủ sữa trữ đông

Trong thời gian mang bầu em bé thứ 2, đã không ít lần Kim Kardashian than phiền trên mặt báo về những khó khăn mà cô phải đối mặt như mệt mỏi, tăng cân quá nhiều, sưng phù và đau nhức cơ thể… Tuy nhiên, với bất cứ bà mẹ nào, việc đón thêm những thành viên mới trong gia đình luôn là điều tuyệt diệu và vô cùng hạnh phúc, với Kim ‘siêu vòng ba’ cũng vậy.

Cô còn đặc biệt quan tâm đến việc nuôi con bằng sữa mẹ và mới đây trên trang web Kimkardashianwest.com của mình, bà mẹ 2 con đã có những chia sẻ rất hữu ích về cách cho con bú, cách giúp bé thứ nhất không “ghen tỵ” khi mẹ sinh con thứ 2, cũng như quan điểm của cô với việc có nên cho con bú nơi công cộng hay không.

 ‘kim sieu vong ba’ bat mi chieu de co ca tu sua tru dong - 1

Kim Kardashian đã có những chia sẻ hữu ích về việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Chia sẻ về việc nuôi con bằng sữa mẹ, Kim Kardashian cho biết ngay từ lần sinh con gái đầu lòng, cô đã chăm chỉ hút sữa mỗi ngày và đến lần này cũng vậy. Đây chính là bí quyết giúp cô có nhiều sữa và hiện tại cô đã có cả tủ sữa trữ đông để cho con dùng dần.

Với việc cho con bú trực tiếp mẹ, bà mẹ 2 con cho biết thời gian đầu cô khá chật vật nhưng nhờ sử dụng núm trợ đầu ti mà việc cho con bú mẹ trở lên dễ dàng hơn nhiều. “Chính bác sĩ tại bệnh viện đã giới thiệu với tôi sản phẩm này khi chứng kiến tôi chịu đau đớn vô cùng khi cho con bú. Sau đó tôi đã dùng núm trợ ti mọi lúc khi tôi cho con bú. Tôi thấy con mình ăn tốt hơn và bản thân mình thấy dễ chịu, thoải mái hơn nhiều.”, Kim Kardashian chia sẻ.

 ‘kim sieu vong ba’ bat mi chieu de co ca tu sua tru dong - 2

Cả 2 lần sinh nở cô đều cố gắng có nguồn sữa dồi dào cho con bú.

Bà mẹ này cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn mà cô gặp phải khi cho con trai thứ 2 bú đó là: “Con gái đầu rất ghét khi tôi cho bé Saint bú. Con bé không thích việc này một tí nào và luôn tìm cách phá đám”. Và để giải quyết vấn đề này, Kim đã tìm ra một phương pháp vô cùng hiệu quả đó là cho North tham gia vào việc chăm sóc em bé cùng mẹ.

Hàng ngày, Kim sẽ hút sữa sẵn để ra bình và North chính là người giúp cô cho cậu em của mình bú. “Cách này thật sự rất hiệu quả”, Kim vui mừng chia sẻ. Vậy là từ việc chị cả “ghen tỵ” với em, cô đã biến con gái của mình “chấp nhận” em một cách khéo léo, cùng mẹ tham gia vào việc chăm sóc cho gia đình.  

Cũng trên trang web cá nhân của mình, bà mẹ 2 con đã chia sẻ thêm về quan điểm cho con bú nơi công cộng – một hành động gây nhiều tranh cãi của các mẹ bỉm sữa. “Một số bà mẹ coi việc cho con bú là riêng tư, trong khi những người khác lại rất cởi mở, có thể thoải mái cho con bú ở nơi công cộng. Với cá nhân tôi, tôi không bao giờ cho con bú tại một nhà hàng với rất nhiều người đang nhìn chằm chằm vào mình. Trước đây, khi tôi nhìn thấy hành động này, tôi đã rất sốc. Tuy nhiên giờ đây tôi đã làm mẹ và cảm thấy việc này không còn quá sốc nữa. Tôi hiểu rằng khi bạn có vài đứa con, bạn không thể vào nhà vệ sinh cho một đứa bú, và để những đứa con lại ngoài bàn ăn được. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ không làm điều đó, trừ trường hợp khẩn cấp, và tôi phải che đậy kín đáo.”, Kim Kardashian viết.

 ‘kim sieu vong ba’ bat mi chieu de co ca tu sua tru dong - 3

Kim hướng dẫn con gái cùng chăm sóc em bé với mẹ.

Bà mẹ này cũng chia sẻ thêm, mặc dù có rất nhiều sữa nhưng cô vẫn gặp chút rắc rối nhỏ là không thể có giấc ngủ thoải mái bởi chính việc hút sữa, cho con ăn đêm đã khiến cô thường xuyên thức giấc trong đêm.

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Mẹ bầu mang 5 thai trong bụng đã sinh con chỉ trong 2 phút

Theo trang Woman's Day, mẹ bầu Kim Tucci, 26 tuổi cho biết gia đình cô đã vừa chào đón thêm 5 thành viên, bao gồm một bé trai Keith và bốn con gái - Ali, Penelope, Tiffany và Beatrix. Cô hạ sinh các con ở tuần thứ 30 thai kỳ tại bệnh viện King Edward Memorial.

Trước đó, bà mẹ 26 tuổi này đã có một con trai lớn với người chồng trước. Với cuộc hôn nhân này, cô đã có 2 cô con gái và họ muốn có thêm một bé trai nữa. Tuy nhiên, quá bất ngờ, mẹ Kim Tucci đã có tới 5 con.

 me bau mang 5 thai trong bung da sinh con chi trong 2 phut - 1

Với thai kỳ đặc biệt của mình, Kim Tucci cũng đã dành thời gian ghi lại tất cả những cảm xúc, thăng trầm, khó khăn trong thai kỳ của mình trên trang cá nhân. Cô cho biết cô đã phải chịu đựng chứng đau lưng khủng khiếp, 12 lần đi vệ sinh một đêm và tiêu thụ khoảng 6.000 calo một ngày để nuôi dưỡng 5 em bé trong bụng.

“Tôi đã phải đấu tranh rất nhiều để có thể nạp được 6000 calo vào cơ thể mỗi ngày vì chứng bệnh trào ngược. Tôi đã phải uống nhiều sữa, ăn nhiều đồ ăn. Tôi muốn giảm cân trong khi tôi vẫn phải ăn cho 5 em bé trong bụng.”, Kim Tucci chia sẻ trên blog cá nhân.

 me bau mang 5 thai trong bung da sinh con chi trong 2 phut - 2

Trên trang blog của mình với hơn 123.000 người theo dõi, Kim Tucci cũng cho biết: “Tư khi mang thai, tôi đối mặt với triệu chứng đau lưng rất kinh khủng. Tôi không thể ngủ do bụng bầu quá lớn. Không có gì có thể hỗ trợ tôi được cả. Tôi cũng rất lo về những vết rạn da nhưng sau tôi nghĩ tôi nên tự hào vì những vết rạn da đó. Nó chính là dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời tôi.”

 me bau mang 5 thai trong bung da sinh con chi trong 2 phut - 3

Mẹ Kim Tucci đã nhập viện ở tuần 30 thai kỳ và hạ sinh 5 con khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ. Chỉ trong khoảng 2 phút, cả 5 em bé đã được đưa ra khỏi cơ thể mẹ. Hiện tại, các bé đều có sức khỏe tốt và mẹ Kim Tucci cũng đã dần hồi phục sức khỏe.  

Trước đó, bà mẹ này cũng trở nên nổi tiếng thế giới khi chia sẻ bộ ảnh mang 5 thai đẹp như nữ thần của mình ở tuần 26 thai kỳ.

Nguy cơ sinh non vì tăng quá cân khi mang bầu

Chuyện cân nặng

Để biết bạn có thừa cân hay không, hãy dựa vào chỉ số BMI (Công thức: Cân nặng/ chiều cao x chiều cao). Tuy nhiên, cần lưu ý về hạn mức tăng cân chuẩn đối với các mẹ bầu trong từng giai đoạn của thai kỳ.

Nếu thấy tăng quá cân khi mang bầu, bạn cũng không nên cố gắng giảm cân. Bởi lẽ việc làm đó không an toàn. Giải pháp tình thế là điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục nhẹ nhàng để kiểm soát, không cho phép trọng lượng tiếp tục tăng và gặp bác sỹ tư vấn thường xuyên.

Những chuyên gia sẽ giúp bạn kiểm soát các nguy cơ bạn phải đối mặt nếu béo phì khi mang thai, hoặc đưa ra giải pháp ngăn ngừa các triệu chứng lạ.

Lưu ý, nếu bạn ít vận động trước khi mang thai, dẫn tới thừa cân, thì nên hỏi kỹ ý kiến bác sỹ trước khi áp dụng bất kỳ loại hình tập luyện nào trong thai kỳ. Khởi đầu, bạn không nên tập quá 15 phút mỗi ngày, tránh môn vận động mạnh. Thay vào đó là đi bộ, bơi.

 nguy co sinh non vi tang qua can khi mang bau - 1

Tâm lý  "ăn cho hai mẹ con" khiến nhiều mẹ bầu tăng quá cân. (Ảnh minh họa)

Các nguy cơ của mẹ bầu béo phì

Việc tăng quá cân trong khi mang thai sẽ gây ra một số nguy cơ không tốt cho chính bạn và em bé. Chỉ số BMI càng cao, các rủi ro càng lớn. Dưới đây là một số minh chứng cụ thể.

Sảy thai. Nếu chỉ số BMI trên 30, thì nguy cơ sảy thai lên tới 20% trong giai đoạn thai dưới 12 tuần tuổi. Con số này tăng lên 25% nếu BMI cao hơn nữa.

Bạn có nguy cơ mắc tiểu đường thời kỳ thai nghén cao gấp 3 lần người bình thường khi chỉ số BMI vượt 30. Đồng thời, mẹ bầu dễ mắc một số bệnh khác như huyết áp cao, tiền sản giật khi BMI tăng ngoài 35.

Chỉ số BMI quá 30 còn mang tới nguy cơ bị khó sinh do kẹt vai, mất nhiều máu hơn sau sinh so với người bình thường. Trọng lượng cơ thể mẹ quá khổ, thì khả năng sinh con thừa cân, trên 4kg, cũng rất cao. Với mẹ bầu có BMI trong khoảng 20-30, tỷ lệ chỉ là 7/100, trong khi BMI quá 30, con số này tăng tới 14/100 trường hợp.

Các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới con sẽ bao gồm sinh non (trước tuần thứ 37), lưu thai, thai bất thường như thiếu khuyết dây thần kinh. 

6 thay đổi mẹ nào cũng trải qua khi mang thai

Sưng nướu răng

Phụ nữ mang thai có thể bị sưng nướu răng kèm theo chảy máu và do vậy dẫn tới nhiều vấn để răng lợi khác. Nguyên nhân gây sưng nướu là do những thay đổi về lượng progesteron và oestrogen và tăng lưu thông máu.

Mũi to hơn

Sưng mũi cũng là triệu chứng có thể gặp khi mang thai. Niêm mạc bên trong mũi bị khô và có thể dẫn tới những vấn đề như chảy máu cam. Nhỏ nước muối có thể phòng ngừa tình trạng này.

Chân phù

Theo nghiên cứu gần đây, chân của phụ nữ mang thai có thể bị sưng tạm thời. Hormon relaxin là nguyên nhân duy nhất vì loại hormon này làm giãn các dây chằng trong xương chậu để em bé có thể chui ra nhưng nó có thể gây ảnh hưởng kéo dài lên các khớp của chân, khiến chân bị sưng phù.

 6 thay doi me nao cung trai qua khi mang thai - 1

Khi mang thai, chân của phụ nữ có thể to lên. (ảnh minh họa)

Da nổi mụn

Da nổi mụn trứng cá và các vết nám trong khi mang thai là do những thay đổi hormon trong cơ thể. Để khắc phục những vấn đề về da này, tất cả những gì bạn cần làm là tìm những bài thuốc dân gian có hiệu quả và an toàn khi sử dụng so với những sản phẩm sẵn có trên thị trường.

Giãn tĩnh mạch

Thai nhi đang phát triển cần cung cấp lượng máu lớn để có oxy và dưỡng chất, vì vậy, các tĩnh mạch trong cơ thể cũng có xu hướng giãn hoặc nở rộng. Khi những tĩnh mạch này giãn ra, phụ nữ mang thai sẽ bị đau và sưng ở một mức độ nhất định. Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn có thể nâng cao chân để cải thiện tuần hoàn máu trong thời kỳ mang thai

Rối loạn tiêu hóa

Một trong những triệu chứng phổ biến trong thai kỳ là sự xuất hiện của những vấn đề tiêu hóa. Điều này có thể do sự gia tăng hàm lượng progesteron làm chậm thời gian vận chuyển thức ăn từ dạ dày tới ruột, do đó dẫn tới các vấn đề như táo bón.

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Bi kịch của những đại gia dồn tiền kiếm con

Nỗi buồn của đại gia hiếm muộn

Hai vợ chồng chị Trần Thị Thanh hiện đang sinh sống tại Linh Đàm, Hà Nội. Chị Thanh sinh năm 1982, chồng chị sinh năm 1978. Chồng chị Thanh kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị y tế, còn chị Thanh có cả một xưởng may để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Hai vợ chồng chị lấy nhau đã 6 năm nay nhưng không có con. Mỗi lần đi khám, chị Thanh đều hi vọng có thể tìm được chút hi vọng. Chị Thanh bị lép trứng, đã kích trứng rất nhiều lần, làm thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành công. 

Có lúc, chị Thanh chỉ còn biết khóc khi mọi thứ xung quanh mình quá tốt, vậy mà chỉ mỗi việc có con là chị không làm nổi. Nghĩ lại hành trình đi chữa hiếm muộn, chị Thanh nhẩm tính, vợ chồng chị đã sang Thái Lan, Singapore; từ Từ Dũ đến BV Phụ sản trung ương... hầu như không còn thiếu ở đâu.

Chồng chị Thanh là con trưởng nên áp lực có con càng nặng nề hơn. Trong khi đó, anh lại bị yếu tinh trùng. Yếu tinh trùng điều trị rất kiên trì và phải kiêng bia rượu nhưng anh lại không thể thực hiện. Cái khổ nhất của anh là không thể tiết lộ với mọi người bệnh lý sinh sản của mình. Với anh đó là tuyệt mật. Và chị Thanh phải gánh tất cả những áp lực của nội ngoại hai bên đổ xuống.

Khi vợ chồng anh đến Bệnh viện phụ sản Trung ương khám, bác sĩ khuyên nếu thực hiện nhiều lần vẫn thất bại, anh chị có thể xin noãn và tinh trùng của người khác để làm thụ tinh trong ống nghiệm nhưng vợ chồng chị Thanh không đồng ý. Chị sẵn sàng đổ thêm tiền để có đứa con của riêng mình.

 bi kich cua nhung dai gia don tien kiem con - 1

 Người bệnh đến khám tại BV Phụ sản Trung ương.

Bác sĩ Hồ Sỹ Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, khi tư vấn cho những cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn còn đỡ. Mỗi khi gặp những vợ chồng đại gia hiếm muộn thì bác sĩ phải cực kỳ kiên trì bởi họ cứ nghĩ cótiền sẽ giải quyết được tất cả.

Cùng suy nghĩ đó, bác sĩ Tăng Đức Cương- Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội cũng gặp nhiều ca khó tương tự. BS Cương kể, anh đã từng tư vấn cho rất nhiều cặp vợ chồng đại gia hiếm muộn.

Anh kể cặp vợ chồng chị Lưu Thị Hoa  đã ngoài 40 tuổi. Họ kết hôn muộn. Chồng chị Hoa đã có một cô con gái riêng trước đó nên khi kết hôn, chị Hoa nghĩ phải sinh thêm cho chồng một mụn con trai. Tuy nhiên kết hôn được 4 năm rồi nhưng chị vẫn không có thai.

Chị Hoa đi khám bác sĩ cho biết buồng trứng của chị không còn tốt. Kích trứng chất lượng trứng vẫn tồi nên khuyên chị có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm, xin trứng của người khác.

Chị Hoa không đồng ý vì chị nghĩ mình có tiền, mình không phải nuôi con của người khác. Sau khi suy tính, chị Hoa và chồng vẫn kiên trì chữa hiếm muộn dù chị đã 43 tuổi.

Không phải nhiều tiền sẽ dễ dàng có con

Vợ chồng chị Thanh đã chi mất gần 2 tỷ đồng để ra nước ngoài khám chữa bệnh. Tâm lý của chị lúc nào cũng nặng nề. Mỗi lần ra đi khám là chị lại canh cánh nỗi lo, phải cố gắng đậu thai cho bằng được. Có lẽ suy nghĩ phải mang thai nên chị lúc nào cũng rơi vào trạng thái mệt mỏi, việc đậu thai càng trở nên khó khăn hơn.

Bác sĩ Cương cho biết, có những cặp vợ chồng họ mang cả gia tài của đại gia đình lên bệnh viện làm thụ tinh trong ống nghiệm song đa số họ thất bại. Tâm lý trong việc đậu thai rất quan trọng. Dù đã đậu thai, bơm phôi vào tử cung thì với các bác sĩ khi nào bế con trên tay mới được coi là thành công.

Điều trị vô sinh hiện nay rất tốn kém và có nhiều gia đình đã lấy hết tài sản, thậm chí vay mượn nhiều nơi để đi khám. Tuy nhiên, không phải lúc nào tiền cũng giải quyết được vấn đề này. Bởi một khi người phụ nữ đã bị suy buồng trứng hoặc người đàn ông không có tinh trùng thì họ hết cơ hội sinh con từ trứng và tinh trùng của mình.  

Làm thụ tinh trong ống nghiệm không phải một lần là có thể thành công mà có khi lên đến 3- 4 lần, thậm chí có người đến 8 – 9 lần mới có thể thành công được. 

Cứu sống sản phụ mang thai 34 tuần mắc bệnh tim nặng

Khoa Hồi sức Phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa thông tin về ca phẫu thuật bóc tách động mạch chủ và bảo tồn van tim cho bệnh nhân N.Q.T.D (sinh năm 1985, ngụ ở tỉnh Kiên Giang). Đây là bệnh lý rất hiếm gặp, y văn thế giới chỉ mới ghi nhận 50 ca, còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì đây là ca thứ 2 các bác sĩ gặp và xử trí thành công.

Chị N.Q.T.D được chuyển từ Bệnh viện Tỉnh Kiên Giang lên Bệnh viện Chợ Rẫy vào khoảng 8 giờ sáng 21/1. Trước đó, chị có biểu hiện đau thắt ngực dữ dội nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Tỉnh Kiên Giang cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị bị bóc tách động mạch chủ kèm tình trạng huyết áp thấp nên quyết định chuyển gấp chị lên bệnh viện tuyến trên.

BS CKII Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim - cho biết, qua siêu âm tim, chị D. được chẩn đoán bị bóc tách động mạch chủ 15 cm. Đây là một trong những bệnh lý nặng nhất trong các bệnh lý về tim mạch. Nếu không được phẫu thuật khẩn cấp, bệnh nhân có thể bị tử vong. Tuy nhiên, cái khó là bệnh nhân đang mang thai ở tuần thứ 34, làm sao để cứu sống cả mẹ lẫn con là bài toán khó với các bác sĩ.

 cuu song san phu mang thai 34 tuan mac benh tim nang - 1

 Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của sản phụ D.

Các bác sĩ khoa Tim, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành hội chẩn với các bác sĩ sản khoa ở Bệnh viện Hùng Vương. Cuối cùng, quyết định sẽ mổ bắt con, cứu cháu bé, sau đó sẽ mổ tim luôn cho sản phụ.

Thông thường, với những bệnh nhân bị bóc tách động mạch chủ thì van động mạch chủ cũng bị hở. Ca phẫu thuật cần thay cả động mạch chủ lẫn van. Tuy nhiên, trước khi thay van, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc kháng đông. Việc dùng thuốc kháng đông với một bệnh nhân vừa trải qua ca phẫu thuật mổ bắt con là vô cùng nguy hiểm, có thể khiến sản phụ băng huyết sau sinh. Do đó, các bác sĩ quyết định chỉ thay động mạch chủ, không thay van tim mà tìm cách phục hồi, bảo tồn van tim cho bệnh nhân.

Ngày hôm sau, ca mổ bắt con được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương phối hợp với bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành. Bé trai chào đời nặng 2,6kg, khỏe mạnh và được đưa về Bệnh viện Hùng Vương chăm sóc. Sản phụ ngay sau đó được đưa vào phòng mổ để tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật tim, thay gốc động mạch chủ và sửa van tim. Sau 7 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công, sức khỏe người mẹ phục hồi tốt. Theo BS An, bóc tách gốc động mạch chủ là bệnh bẩm sinh, khi có thai sẽ thúc đẩy tình trạng bệnh và bệnh sẽ trở nên nguy hiểm khi bệnh nhân bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ.

10 bí quyết vàng lấy lại vóc dáng sau sinh

Vài tháng đầu sau sinh thường được gọi là thai kỳ thứ 4 và quả thực những tháng đầu này là một thách thức vô cùng khó khăn và mệt mỏi đối với bà mẹ trẻ. Thay tã lót, cho con bú, thay đổi nội tiết và nước mắt trở nên hết sức bình thường và tập thể dục là điều cuối cùng mà bà mẹ trẻ nghĩ đến. Chính vì thế không có gì ngạc nhiên khi bạn cảm thấy việc quay trở lại công việc là một thách thức vô cùng to lớn. Tuy nhiên, để đối phó với cái mớ hỗn loạn này, đã đến lúc bạn phải bắt đầu tập thể dục. Không chỉ giúp bạn giảm cân mà còn có thể giúp bạn nhanh nhẹn, minh mẫn hơn. Dưới đây là một số hướng dẫn để bạn bắt đầu chương trình tập thể dục và lấy lại vóc dáng.

Hãy tận dụng thời gian

Hầu hết các bác sĩ đều khuyên bạn tập thể dục sau khi sinh khoảng 4 đến 6 tuần, tuy nhiên một số bà mẹ cảm thấy cơ thể có thể bắt đầu luyện tập sớm hơn. Nếu bạn sinh bằng phương pháp mổ thì bạn cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn trước khi bắt đầu luyện tập. Cho dù bạn rất nôn nóng muốn quay trở lại với công việc, cơ thể của bạn sẽ rất biết ơn bạn nếu như bạn đợi cho đến khi bạn đã thực sự sẵn sàng. Bắt đầu tập thể dục quá sớm có thể gây ra những áp lực không cần thiết cho cơ thể và quá trình hồi phục thậm chí còn lâu hơn.

Nếu bạn tập thể dục trong thời gian mang thai, bạn có thể thấy rằng việc lấy lại vóc dáng dễ dàng hơn một chút. Tuy nhiên nếu bạn không luyện tập quá mức để dẫn dến tình trạng kiệt sức, nghén hoặc là mang tâm lý “tôi đang mang thai và tôi sẽ làm những gì tôi muốn, thì bạn có thể sẽ nhận ra rằng bạn không thể làm quá nhiều thứ và quá sớm. Hãy thực hiện một cách chậm dãi và lắng nghe cơ thể của bạn. sức khỏe của bạn sẽ trở lại bằng việc kiên nhẫn thực hiện kế hoạch chứ không phải quá ích kỷ và đốt cháy chính mình

Đừng quên luyện tập Kegels

Bạn đã từng tập Kegel bao giờ chưa? Đây thực sự là một phần vô cùng quan trọng của bài tập thể dục sau sinh. Tập Kegel (Bài tập dành cho vùng xương chậu) vài lần một ngày sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục sau khi sinh bằng phương pháp rạch âm hộ, chữa bệnh trĩ và kiểm soát bàng quang. Bài tập này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái nhanh hơn và do đó, bạn sẽ sớm được quay trở lại với công việc hơn. 

Tập thể dục cho các vùng chính

Vùng chính là vùng giữa bao gồm vùng bụng, vùng hông và lưng dưới. Việc phục hồi các vùng này sau sinh là vô cùng quan trọng, đặc biệt là vùng lưng dưới, vùng này có thể bị biến dạng hay chịu sức ép lớn trong suốt quá trình mang thai và nói chính xác thì do phải nâng đỡ bé trong quá trình mang thai cũng như là sau sinh. Làm cho bụng thon gọn cũng là một trong những mục tiêu của bạn sau khi sinh và điều  này sẽ giúp bụng của bạn trở về trạng thái bình thường sớm hơn mong đợi. Hãy thử làm một siêu nhân. Đặt phần bụng xuống trước, 2 tay duỗi thẳng lên đầu, dùng tay nâng ngực và đùi của bạn lên và sau đó thả lỏng. Hãy làm thử 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 15 cái.

 10 bi quyet vang lay lai voc dang sau sinh - 1

Tập thể dục là cách giảm cân hiệu quả sau sinh. (ảnh minh họa)

Thử tập yoga

Có vô số những lợi ích bạn sẽ thu được khi luyện tập yoga sau sinh; không chỉ làm bạn tập trung mà còn có thể cải thiện tâm trang của bạn tốt hơn bất kỳ hình thức luyện tập nào khác. Sự khỏe mạnh cũng như các lợi ích khác cũng vô cùng quan trọng trong thời gian sau sinh. Ví dụ chỉ một tư thê chim bồ câu thôi có thể mang lại hiệu quả rất lớn bởi vì nó giúp co duỗi đầu gối và đây cũng là bộ phận thường xuyên bị khó chịu và buồn bực trong suốt quá trình mang thai cũng như sau sinh. Nếu bạn chưa sẵn sàng để rời mắt khỏi bé, hãy thử một lớp học yoga – bạn sẽ cảm thấy thư giãn hơn rất nhiều và bạn cũng có thể chia sẻ với những bà mẹ khác

Đừng quan tâm đến những gì người nổi tiếng đang làm

Việc làm giảm cân một cách nhanh chóng sau sinh là không lành mạnh đối với bất kỳ ai. Thậm chí nếu bạn không cho con bú, bạn vẫn cần calo từ thức ăn để có năng lượng chăm sóc bé mới sinh. Và nếu như bạn đang cho con bú thì bạn sẽ cần năng lượng để tạo ra sữa. Không ai hi vọng bạn thon gọn ngay lập tức và hiếm có ai khuyến khích bạn lo lắng về việc làm cho mình trở nên thon gọn sớm. Hầu hết những người nổi tiếng đều có người giữ trẻ, người giúp việc và trợ lý làm việc cả ngày cho họ và vì thế họ có đủ thời gian cũng như năng lượng để làm việc. Chính vì vậy, không nên cảm thấy xấu hổ về cơ thể của mình mỗi khi bạn xem báo, tạp chí hoặc xem ti vi.

Tập thể dục với bé

Vài tháng đầu sau sinh, thu xếp được thời gian luyện tập là vô cùng khó khăn. Thực tế, ngay cả việc dành thời gian vào phòng tắm cũng đã rất khó khăn rồi. Bạn gần như không thể đặt bé xuống cho đến khi bé có thể tự ngồi. Tuy nhiên, bạn không nên đợi lâu như thế. Hãy đầu tư vào việc thuê người trông trẻ để bạn có thời gian đi dạo, đi xe đạp hoặc đi bộ nếu như cảm thấy việc chạy bộ là quá sức. Bạn cũng có thể thử một số bài tập “mẹ và bé”, và hiển nhiên là bé đang giúp bạn giảm cân.

Ngồi thiền

Dành vài phút sau khi luyện tập để ngồi thiền là một cách tốt giúp bạn thư giãn đầu óc và cảm ơn cơ thể đã giúp bạn hình thành thói quen. Đây cũng là thời gian để bạn cảm nhận được những điều tích cực mà bạn đã làm được cho chính mình, cho cơ thể bạn và cho gia đình. Không cần ngồi lâu, chỉ vài phút, hãy chọn chỗ ngồi thoải mái, nhắm mắt lại và chỉ cần thế. Ngồi thiền có hể làm bạn bớt căng thẳng và tỉnh táo hơn sau đó.

Luyện tập cơ bắp

Cơ bắp của bạn càng nhiều thì quá trình trao đổi chất của bạn diễn ra càng nhanh. Nếu như bạn đã từng chạy dặm bằng máy chạy bộ và bạ cứ băn khoăn là tại sao bạn không thể giảm cân một cách dễ dàng như bạn nghĩ, thì hãy kết hợp một số động tác cơ bắp vào bài tập của bạn. Hãy liệt kê thêm một số động tác như đứng lên ngồi xuống, chống đẩy, nâng tay trước khi chạy bộ để tối đa hóa đốt cháy chất béo. Bạn sẽ mất nhiều calo hơn bằng cách thêm vài phút tập luyện

Hãy thật linh hoạt

Tôi không muốn nói đến vấn đề luyện tập của bạn. tôi đang nói đến phương pháp tiếp cận để đạt được sự cân đối. Bạn đang trong giai đoạn chăm sóc con nhỏ nên bạn có thể cảm thấy không thích việc tập thể dục. Vì tập thể dục đồng nghĩa với việc bạn phải mang bé theo khi đi bộ hoặc đưa bé đến phòng tập hoặc thậm chí phải đợi đến buổi tối khi bé đã ngủ. Dù bằng cách  nào, nếu bạn không linh hoạt thời gian và nơi luyện tập, bạn khó có thể thực hiện việc luyện tập đầy đủ và đều đặn. Hãy nắm bắt những thay đổi mà tình mẫu tử mang lại và thử làm cái gì đó mới mẻ. hãy kết hợp bài tập thể dục sẽ mang lại điều kỳ diệu cho sức khỏe của bạn, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Nhật ký chi tiết một ca sinh mổ của mẹ trẻ 9x

Trà My (23 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) cho biết trong thời gian mang bầu, cô không hề có ý định sinh mổ. Tuy nhiên vì thai nhi quá ngày mà vẫn không có dấu hiệu sinh nở nên bà mẹ trẻ đã được bác sĩ chỉ định đẻ mổ. Dù công việc bỉm sữa khá bận rộn nhưng Trà My vẫn dành chút thời gian để chia sẻ chi tiết về ca sinh mổ mà cô đã trải qua với hy vọng các mẹ có ý định sinh mổ hiểu hơn về quá trình đón bé chào đời bằng phương pháp này.

Được sự đồng ý của Trà My, xin trích dẫn những dòng nhật ký sinh mổ này với các mẹ bầu:

"Khi mang bầu lúc nào mình cũng nơm nớp lo em bé đòi ra sớm, sinh non thiếu tháng, phải ấp lồng kính không được khoẻ mạnh nên cứ qua thêm một tuần mẹ lại thở phào nhẹ nhõm 30 tuần mong đến 32 tuần, 32 tuần mong đến 36 tuần... Rồi ngày ấy cũng đến, 40 tuần nó không chịu ra, 40 tuần 1 ngày, rồi 2 ngày, 3 ngày, 4 ngày rồi 5 ngày vẫn không ra, mẹ nó cùng bác sĩ quyết định mổ lôi nó ra.

Trong lòng cũng vui vui một tí vì có lí do không phải đẻ thường. Vừa đến bệnh viện khám, chị y tá nói: "Mổ luôn em nhé. Vào cởi quần áo lót ra vào phòng chị làm vệ sinh trước mổ". Mặt mình khi đó còn đang ngơ ngác, cứ nghĩ là đến khám thôi mai hoặc ngày kia mới mổ vì tối lỡ đặt lịch đi xem phim với chồng rồi, chưa muốn đẻ tí nào. Thế là chị y tá lôi luôn đi, chỉ kịp gọi điện cho mọi người ở nhà mang đồ đạc đến chuẩn bị cho em bé.

 nhat ky chi tiet mot ca sinh mo cua me tre 9x - 1

Trà My khi mang bầu ở tháng thứ 6.

Làm vệ sinh xong lên phòng phẫu thuật, chị y tá đưa cho mình tập hồ sơ sinh mở cửa khu mổ đẩy vào: "Vào ngồi kia chờ có người ra đón em nhé!". Quãng thời gian ngồi chờ người cứ run cầm cập, khu phòng mổ lạnh, tiếng dao kéo lẻng xẻng, nhìn trộm vào phòng mổ thấy nhiều thiết bị, bình thở oxy, mành rèm bàn mổ đèn sáng trưng, y tá, bác sĩ đang chuẩn bị găng tay, găng chân làm mình cảm thấy rất là nghiêm trọng hoá. Rơm rớm rơm rớm nhưng nghĩ đi nghĩ lại đằng nào chẳng phải đẻ, chả nhẽ bảo là thôi cháu không đẻ nữa đâu...

Mình đang ngồi suy nghĩ lung tung thì có một chị mặc đồ xanh khẩu trang mũ kín mặt ra gọi mình vào. Cởi váy ra đi em, nằm lên bàn dạng chân ra... Bắt đầu thấy chị ấy cầm cái ống gì đó loằng ngoằng bắt đầu đút đút, mình sợ gồng người lên, chị y tá bảo: "Em cố nằm im để chị đút ống tiểu, nếu không sau này bị nhiễm trùng đường tiểu đấy nhé". Thế là mình cố gắng nằm im hơi khó chịu một tí nhưng cũng không bị đau. 

Tiếp theo đến anh y tá thứ 2 lấy ven truyền cái  gì đó băng bó một bên tay của mình, anh y tá bên kia thì đeo máy đo huyết áp tim phổi, đeo máy thở oxy cho mình. Tiếp đến một chị y tá nữa quay người mình sang một bên, đầu gập ngực, chân gối co lên mặt để chuẩn bị tiêm gây tê cột sống, chị ấy tiêm cho mình 2 mũi ở lưng xong lật luôn người lại. Thêm một người nữa vệ sinh bụng lau lau nước gì lạnh lạnh, xong chốt cuối bác sĩ mổ xuất hiện chùm qua mặt mình tấm vải và bắt đầu mổ.

Mình còn tỉnh và hỏi: "Chú ơi vừa tiêm thuốc xong đã tê chưa chú, cháu sợ đau." (Mình sợ vì vừa tiêm xong lật người lại mổ luôn sợ thuốc tê chưa kịp ngấm). Bác sĩ cười đánh trống lảng mổ bây giờ là quá đúng rồi con nhé, để lâu quá nguy hiểm em bé già tháng rồi.

Roẹt roẹt kéo kéo bụng bên này sang bên kia. Nói dứt câu chưa đầy 3 phút em bé đã oe...oe... eo. Nhanh dã man, lúc đấy mình biết là con mình đã ra rồi, nhưng mọi thứ diễn ra quá nhanh khiến mình chưa kịp có cảm xúc gì, chưa kịp khóc luôn. Sau đó là tiếng hút ọp ọp mình biết là hút nước từ mũi và phổi của bé, vì trước khi mổ mình cũng liều mình xem clip một ca mổ đẻ trực tiếp nên biết trước người ta đang làm gì. Bác sĩ mổ đi ra và 2 bác sĩ khác đến khâu.

 nhat ky chi tiet mot ca sinh mo cua me tre 9x - 2

Con trai kháu khỉnh của mẹ Trà My.

Kể dài dòng thế thôi chứ mọi thứ diễn ra từ đầu đến cuối chỉ trong 10 phút. Em bé được cô y tá bế ra cho mẹ nhìn mặt, lúc này mũi mình mới cay cay, nước mắt mới tràn ra, không nhìn kĩ lắm vì vướng nhiều dây dợ nhưng cũng nhìn qua được cái mặt con đang gào lên khóc đỏ bừng. Em bé được bế ra với người nhà. Còn mình khâu xong chuyển lên phòng hồi sức, truyền 3 chai kháng sinh.

Có một chị mổ đẻ trước mình kêu đau, y tá ra truyền thuốc giảm đau, đến mình y tá hỏi 2 lần: "Em truyền thuốc giảm đau cho chị nhé?". Mình không muốn truyền nên bảo chưa đau, thực ra thì mình cũng đau nhưng chưa đến mức đau quá phải dùng thuốc. Mình cũng không muốn dùng nhiều thuốc vì sợ chờ lâu mới được gặp con. Thế là hết 6 tiếng hồi sức, tự một chị y tá ra truyền cho mình một chai giảm đau rồi chuyển xuống phòng nằm gặp con và gia đình.

Cứ tưởng đau thế thôi ai ngờ đến đêm đau không xoay được người, nằm im cả đêm. Đến sáng đau quá mới bảo người nhà mua thuốc giảm đau đút hậu môn, công nhận tầm 15 phút sau là đỡ đau, ngay sáng hôm sau mình ngồi dậy được, đến tối là đi lại từ từ được. Ba ngày ở viện mỗi ngày đút một viên, hôm cuối về nhà đút thêm viên nữa tổng là bốn viên giảm đau và xuất viện đi lại bình thường. Hôm nay tròn 10 ngày sinh, mình rút chỉ và thế là thở phào nhẹ nhõm, giờ chỉ còn lại một đường kẻ bé tí dưới bụng và một thiên thần bé xíu bên cạnh."