Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Thuốc chữa đau bụng kinh: Những tác dụng phụ chị em cần biết

Đau bụng trong thời gian hành kinh là triệu chứng khó chịu thường gặp ở chị em. Nó khiến chị em phụ nữ mệt mỏi, đau lưng, đau bụng âm ỉ, có khi là đau bụng dữ dội kèm toát mồ hôi, chân tay lạnh, mặt nhợt nhạt, buồn nôn…Tuy nhiên đối với một số phụ nữ đau bụng kinh có thể là u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung…và điều trị từ nguyên nhân là chìa khóa để giảm cơn đau.
Nguyên nhân đau bụng kinh
- Đau bụng kinh nguyên phát: Đau do có thắt tử cung trong thời gian hành kinh, do bẩm sinh (dị tật cổ hoạc ở tử cung…) hoặc rối loạn hormones có nguồn gốc từ buồng trứng (tiết không đủ progestérone) và thường gặp ở những bạn gái mới bước vào tuổi dậy thì.
- Đau bụng kinh thứ  phát: Do lạc nội mạc tử cung, nhiễm trùng bộ phận sinh dục mãn tính, những rối loạn ở buồng trứng, polype tử cung…

Những dấu hiệu thường gặp khi đau bụng kinh

Đau bụng khi hành kinh là vấn đề thường gặp trong chu kỳ kinh nguyệt của chị em. Phần lớn phụ nữ thường có cảm giác mệt mỏi, đau nửa đầu (migraine), căng tức vùng bụng dưới. Đối một số phụ nữ những dấu hiệu này xảy đến trước hoặc trong thời gian hành kinh, điều này đôi khi ảnh hưởng một phần không nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, có thể gây co cơ và lan đến vùng thận, đùi, ngoài ra có thể kèm theo buồn nôn, nôn mửa, đau đầu... 
giam dau bung kinh1
Đau bụng khi hành kinh là vấn đề thường gặp trong chu kỳ kinh nguyệt của chị em. (Ảnh: Internet)

Thuốc dùng điều trị đau bụng kinh nguyên phát

- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Đau bụng trong khi hành kinh có thể thuyên giảm bằng cách sử dụng các thuốc chống viêm không steroid: Ibuprofen (Advil, Motrin), Naproxen (Anaprox®, Naprosyn®) hoặc Acid Mefenamic (Apo-méfénamique®, Ponstan®), Diclofenac.. . Được sử dụng ngay từ khi có triệu chứng, dùng trong khoảng 2-3 ngày. Thuốc này có thể gây nên những tác dụng không mong muốn như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, cảm giác nóng rát kích ứng dạ dày, đôi khi gây loét hoặc chảy máu đường tiêu hóa, các biểu hiện dị ứng (phát ban, hen…), suy thận trong rất ít trường hợp. Vì vậy để hạn chế những tác dụng không mong muốn của thuốc nên hạn hữu lắm mới dùng và chỉ dùng trong thời gian ngắn.
Trong khi sử dụng thuốc nếu thấy có các biểu hiện sau đây thì phải ngừng thuốc ngay và báo cho bác sĩ: Giảm đột ngột và đáng kể lượng nước tiểu, phát ban, mẩn ngứa, lên cơn hen, đau bụng dữ dội… Đây là do những tác dụng không mong muốn của thuốc gây nên, vì vậy cần thăm khám bác sĩ ngay.
- Các thuốc chống co thắt (Spasfon)
Các thuốc chống co thắt được sử dụng trong điều trị đau bụng kinh do làm giảm những co thắt tử cung có thể gây chóng mặt, buồn nôn nhưng hiếm gặp; tiêm nhanh có thể gây hạ huyết áp.
Trong trường hợp bệnh nhân đau bụng khi hành kinh, bác sĩ cần hỏi bệnh và thăm khám để xác định nguyên nhân của rối loạn này. Bác sĩ cần xác định chảy máu là do kinh nguyệt chứ không phải do các rối loạn khác như có thai ngoài tử cung hay do lạc nội mạc tử cung. Trong một số trường hợp kê các thuốc kháng viêm đặc biệt dùng để điều trị đau bụng kinh hay các thuốc chống co thắt nhằm giảm các co bóp (quá mức) của tử cung, nếu có nghi ngờ về các trường hợp gọi là đau bụng kinh thứ phát, người phụ nữ cần đi khám chuyên khoa để điều trị.
thuoc giam dau bung kinh2
Nhiều loại thuốc giảm đau bụng kinh cần lưu ý sử dụng vì có thể xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn. (Ảnh: Internet)

Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
- Cơn đau ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
- Cơn đau vẫn tồn tại sau kỳ kinh.
- Kỳ kinh kéo dài và lượng máu kinh nhiều…
Những điều cần làm khi đau bụng trong thời gian hành kinh
- Cần nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, trước và trong khi hành kinh.
- Cần có những luyện tập nhẹ nhàng, đôi khi có thể làm giảm đau.
- Không được uống rượu, cà phê, hút thuốc lá trước và trong khi hành kinh.
- Nằm nghỉ với túi chườm nóng ở bụng hoặc tắm nước ấm giúp dãn cơ vùng bụng dưới do bị co thắt.

- Trong trường hợp cần thiết (đau bụng kinh mức độ trung bình đến nặng) có thể dùng thuốc giảm đau và cần tư vấn bác sĩ vì có thể xảy ra tác dụng phụ không mong muốn.


Dự phòng đau bụng kinh
- Có những hoạt động thể dục thể thao thường xuyên.
- Không nên lạm dụng thuốc lá, rượu.
- Nên dùng các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá mòi… thực phẩm giàu omega-3.
- Hạn chế thịt đỏ ( thịt bò, thịt trâu…).
- Hạn chế uống cà phê khi có đau bụng kinh.
- Nên tránh các yếu tố stress bằng các liệu pháp thư giãn như yoga, thiền định, massage…

                                                                   BS Ái Thủy (Đại học Y dược Huế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét