Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Nếu thấy má con đỏ như bị ai tát, coi chừng con bạn đang bị bệnh do virus

Bệnh đỏ má là gì?

Đây là một loại virus gây ra những vùng đỏ đặc trưng trên hai má trẻ - nó khiến trẻ trông như vừa bị ai đó tát mạnh vào má (do đó, tên tiếng Anh của căn bệnh này là Slapped cheek disease).

Bệnh má đỏ là loại bệnh gây ra những vệt phát ban có màu đỏ tươi trên khuôn mặt của trẻ (do ban đỏ nhiễm khuẩn). Phát ban cũng có thể xuất hiện trên cơ thể, cánh tay hoặc chân. Nguyên nhân chính là do virut Parvo B19, một loại virus có thể gây ra các triệu chứng giống với cảm lạnh trước khi nổi lên những vệt phát ban. Bệnh đỏ má phổ biến nhất ở trẻ từ 3-15 tuổi. Dù vậy, trẻ nhỏ hơn và cả người lớn (nếu chưa từng tiếp xúc với bệnh trước đó) cũng có thể mắc bệnh. 
bệnh đỏ má

Virus gây bệnh đỏ má có thể lan truyền qua nước bọt, đặc biệt là qua các cơn ho và hắt hơi, con bạn có thể bị mắc bệnh đỏ má từ người khác hoặc vô tình lây truyền nó mà không hề hay biết. Thông thường, sau khi nhiễm virus 2 tuần trẻ bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi và xuất hiện triệu chứng. Đôi khi, triệu chứng của bệnh ở giai đoạn đầu thường nhẹ tới nỗi chúng không được để ý. Nhưng nếu thực sự xuất hiện, triệu chứng sẽ bao gồm sốt (từ 38-38,5 độ C), đau đầu, đau họng, trạng thái uể oải, lờ đờ, bụng yếu và da bị ngứa.

Khoảng 1 tuần sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, một vùng đỏ tươi sẽ hiện rõ trên hai má trẻ. Sau đó, từ 1 đến 4 ngày sau, vùng đỏ này sẽ lan rộng xuống thân trên, cánh tay và đùi. Những đốm đỏ có thể kết lại thành mảng, nhìn bề ngoài trông như viền đăng ten. Vùng da bị đỏ nhìn sẽ tệ hơn nếu trẻ bị nóng, do ra ngoài dưới trời nắng gắt hoặc chạy nhảy, nô đùa nhiều.

Dù gây cảm giác khó chịu, bệnh đỏ má thường là bệnh nhẹ và trẻ sẽ khỏi trong vòng 2 tuần. Trong trường hợp hiếm hoi, bệnh có thể kéo dài hơn và vùng da đỏ có thể xuất hiện trở lại nhiều tháng sau. 

Làm gì khi trẻ bị bệnh đỏ má?

Đỏ má là bệnh truyền nhiễm do virus và do đó, không thể dùng kháng sinh để chữa trị. Phần lớn trường hợp, bệnh tự khỏi một cách khá nhanh.
Tuy nhiên, nếu con bạn có hệ miễn dịch yếu vì bất cứ lý do nào, hoặc nếu trẻ bị mắc hội chứng được biết là nguyên nhân gây thiếu máu mạn tính (như bệnh thiếu máu di truyền thalassaemia), tốt nhất, bạn nên đưa bé đi khám ngay lập tức. Vì virus gây bệnh đỏ má sẽ nhắm vào máu và tế bào tủy xương nên chúng tiềm ẩn nguy hiểm đối với những người không có khả năng phòng bị (hệ miễn dịch yếu).

Tất nhiên, nếu bạn lo lắng thì hãy đưa bé đi khám bất cứ lúc nào. Thường thì bác sĩ chỉ cần kiểm tra bằng mắt thường cũng có thể chẩn đoán bệnh đỏ má.

bệnh đỏ má

Một khi được xác nhận là bệnh đỏ má, hãy giữ trẻ ở trong nhà, ít nhất cho đến khi các ban đỏ xuất hiện trên cơ thể, đặc biệt nếu bạn ở nơi thường xuyên có trẻ nhỏ và phụ nữ có thai lui tới.

Trong khi phần lớn người lớn đã miễn dịch, đôi khi, họ vẫn có thể mắc bệnh. Với phụ nữ trong 20 tuần mang thai đầu tiên, bệnh đỏ má có thể gây nhiều rắc rối.

Tại nhà, cách chữa trị theo kiểu truyền thống sẽ giúp ích, đó là dùng thuốc có tác dụng giảm đau họng, đau đầu, giảm sốt... theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đảm bảo trẻ uống nhiều nước, ngay cả khi trẻ không thiết ăn để tránh mất nước nghiêm trọng và cho phép trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn để bệnh mau khỏi. Nếu vùng da đỏ gây ngứa ngáy, khó chịu, bạn có thể tham vấn bác sĩ hoặc dược sĩ để chọn loại kem bôi trị ngứa.

Lưu ý:

Nếu trẻ sốt tới 39 độ C hoặc cao hơn, khả năng lớn là trẻ không bị bệnh đỏ má. Nếu bạn lo lắng, tốt nhất nên lập tức liên hệ với bác sĩ.

Nếu trẻ ban đầu có dấu hiệu bị cảm, rồi sau đó nổi mẩn đỏ quanh tai và cổ (hơn là những vệt đỏ lớn trên má) và kéo theo các đốm đỏ trên khắp cơ thể, có thể bé bị sởi.

(Nguồn: Huffington)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét