Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Virus nguy hiểm gây bệnh đường tiêu hóa có thể khiến trẻ tử vong

Virus Coxsackie khiến 7 trẻ tử vong tại Cao Bằng

7 trẻ dưới 6 tuổi tử vong thời gian qua ở Cao Bằng đã được Bộ Y tế xác định nguyên nhân định nhiễm virus Coxsackie, cùng có triệu chứng sốt, bỏ bú, đi ngoài rồi nhanh chóng diễn tiến thành viêm não cấp.

Qua khai thác triệu chứng cho thấy các trẻ tử vong đều dưới 6 tháng tuổi với các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa (đi ngoài phân lỏng, nôn), một số trường hợp có ho, khó thở sau đó diễn biến nhanh đến hội chứng não cấp, bao gồm co giật, li bì và tử vong.

Theo Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế) hiện tại còn 8 bệnh nhân  mắc virus Coxsackie đang điều trị tại bệnh viện, trong đó 7 trường hợp đã ổn định điều trị tại BV huyện và 1 trường hợp nặng điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Hà Giang. Đến ngày 27/5 không có ca bệnh mới được ghi nhận tại 3 xã này.

Virus Coxsackie là một loại virus gây bệnh đường tiêu hóa, có khả năng gây một số bệnh như viêm màng não vô khuẩn, bệnh cúm mùa hè, bệnh tay chân miệng. Giống như các vi rút đường tiêu hóa khác, nhiễm virus coxsackie phổ biến nhất vào mùa hè.

Con đường lây truyền virus Coxsackie

Bệnh này là do có sự lây truyền qua tiếp xúc với dịch mũi họng và phân cũng như những giọt khí dung của người bị nhiễm (bao gồm người bệnh và người lành mang trùng).

virus gây bệnh đường tiêu hóa

Virus Coxsackie là nguyên nhân gây tử vong ở 7 trẻ dưới 6 tuổi ở Cao Bẳng.

Biểu hiện mắc virus Coxsackie 

Virus Coxsackie là một Enterovirus ở đường tiêu hóa, có khả năng gây nhiều loại bệnh cho trẻ em. Trẻ em bị nhiễm virut Coxsackie phổ biến nhất vào mùa hè. Virut thường gây ra một số bệnh hay hội chứng phức tạp như: viêm màng não vô khuẩn; bệnh cúm mùa hè; bệnh tay - chân - miệng; đái tháo đường; viêm cơ  tim...

Viêm màng não vô khuẩn và viêm não: Bệnh nhân viêm màng não vô khuẩn điển hình có cơn sốt đột ngột kèm ớn lạnh, nhức đầu, sợ ánh sáng và đau khi vận động mắt, buồn nôn, nôn, lơ mơ, cổ cứng, tăng bạch cầu lympho trong dịch não tủy nhưng không có biến đổi các thành phần sinh hóa. Vài trường hợp sốt dịu đi vài ngày, sau đó sốt lại kèm theo những dấu hiệu viêm màng não. Viêm não khu trú và viêm tủy cắt ngang đã được thông báo do virus coxsackie nhóm A, và viêm não lan tỏa sau nhiễm virus nhóm B.

Bệnh sốt không đặc hiệu hay cảm cúm mùa hè: Biểu hiện lâm sàng phổ biến của nhiễm virus coxsackie là sốt không đặc hiệu. Sau thời kỳ ủ bệnh từ 3-6 ngày, bệnh nhân thấy sốt đột ngột kèm uể oải, nhức đầu…

Viêm cơ tim: Trên 30% trường hợp viêm cơ tim cấp là do virus coxsackie gây ra. Bệnh gặp cả ở trẻ sơ sinh, thanh niên hay người trưởng thành, trong đó trên 2/3 là nam giới. Bệnh nhân thấy sốt, viêm đường hô hấp trên, đau ngực, khó thở, loạn nhịp hoặc suy tim.

 Bệnh tay chân miệng: đặc trưng bằng viêm miệng, các ban có bọng nước trên bàn tay và bàn chân. Sau thời gian ủ bệnh từ 4 - 6 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt, chán ăn và uể oải, đau họng và nổi mụn nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, sau đó là ở mu tay, đôi khi là lòng bàn tay. 

Khoanh vùng xử lý triệt để khi có bệnh nhân nhiễm virus Coxsackie

Trước tình hình do virus Coxsackie tại Cao Bằng đoàn cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã chỉ đạo trực tiếp ngành Y tế tỉnh tiến hành các biện pháp:

Tăng cường công tác giám sát tại thực địa, báo cáo tình hình hàng ngày; Thu dung và điều trị tất cả các bệnh nhân phát hiện được tại cộng đồng lên điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện để không xảy ra tử vong. Thực hiện việc cách ly bệnh nhân một cách triệt để.

Xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân bằng cách phun dung dịch khử trùng có chứa Clo cũng như diệt muỗi, côn trùng bằng phun dung dịch Deltamethrin.

Tiếp tục thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý phân, vệ sinh cá nhân, khử trùng nước bằng Clo để đảm bảo nước sạch cho người dân.

Nguyên tắc phòng chống virus Coxsackie

Để phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa nói chung, do virus Coxsackie nói riêng, Bộ Y tế khuyến cáo: 

Giữ gìn vệ sinh chung; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hiện vệ sinh môi trường. Tuyệt đối không tiếp xúc với người bị bệnh.

Người dân và đặc biệt trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét