Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Lần đầu tiên cấy ghép thành công tế bào da vào mô mắt giúp cải thiện thị lực

Bệnh nhân được điều trị thử nghiệm bằng phương pháp mới là một cụ bà 70 tuổi mắc chứng thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác (AMD), nguyên nhân hàng đầu làm giảm thị lực ở tuổi già. Quá trình điều trị đã được thực hiện từ năm 2014 và cho tới nay, sau 2 năm thực hiện ca cấy ghép, các nhà khoa học mới công bố thành quả.

 Các nhà khoa học mở ra hy vọng cho bệnh nhân về mắt. Ảnh: Getty.
Các nhà khoa học mở ra hy vọng cho bệnh nhân về mắt. (Ảnh: Getty)

Nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm phát triển công nghệ sinh học RIKEN, Nhật Bản đã sử dụng một mẫu da nhỏ ở cánh tay bệnh nhân (đường kính 4 mm) và biến đổi các tế bào trong đó thành Tế bào gốc đa năng (iPSC).

Tế bào gốc đa năng có khả năng tự thay mới mình và biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt khác để tạo nên các mô, cơ quan khác của cơ thể. Đó là lý do tại sao các tế bào da cánh tay được chọn để thêm vào mô võng mạc.

Khi các iPSC được biệt hóa để phát triển thành biểu mô sắc tố võng mạc (RPE), chúng được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cho đến khi đạt tới kích thước nhất định, thành một tấm siêu mỏng. Sau đó, các bác sĩ sẽ cấy nó vào phía sau võng mạc của bệnh nhân.

Tôi rất hài lòng vì ca phẫu thuật cấy ghép diễn ra suôn sẻ”, trưởng dự án Masayo Takahashi chia sẻ. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu của kỹ thuật sử dụng các iPSC trong y học tái tạo. Chúng tôi đặt quyết tâm cao để đưa phương pháp này trở thành liệu pháp điều trị áp dụng rộng rãi tới nhiều bệnh nhân”.

 Các tế bào da đã được cấy ghép vào mô mắn. Ảnh: Getty
Các tế bào da đã được cấy ghép vào mô mắn. (Ảnh: Getty)

Mặc dù các cuộc thí nghiệm chỉ mới đang ở giai đoạn bước đầu, giới chuyên gia đã nhìn thấy nhiều tín hiệu tích cực. Sau quá trình theo dõi mức độ hồi phục của bệnh nhân, nhóm nghiên cứu đã cho biết về tình hình các tế bào gốc được cấy ghép. Theo đó, sau hơn một năm, các tế bào cấy ghép vẫn sống tốt và không thấy xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào. Kết quả cũng cải thiện phần nào thị lực của bệnh nhân.

“Các tấm RPE cấy ghép vẫn hoạt động bình thường, không thấy có dấu hiệu bị hệ miễn dịch đào thải và chưa xuất hiện các biểu hiện xấu trong suốt một năm rưỡi. Mọi việc đang đi đúng hướng mà nhóm nghiên cứu mong muốn”, các nhà khoa học tỏ ra vui mừng thông báo.

“Tôi vui vì đã được điều trị bằng phương pháp đặc biệt này. Tôi cảm thấy thị lực được cải thiện đáng kể, mọi thứ sáng hơn và tầm nhìn cũng rộng hơn”, cụ bà được phẫu thuật nói với tờ Thời báo Nhật Bản.

Dù rằng, bệnh nhân không thể hồi phục thị lực hoàn toàn, nhưng nghiên cứu đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc sử dụng Tế bào gốc đa năng, qua đó mở ra hy vọng cho các bệnh nhân khác, kể cả bệnh Alzheimer và Parkinson.

 Bệnh nhân 70 tuổi cho biết mắt bà đã nhìn được rõ hơn trước. Ảnh: Getty.
Bệnh nhân 70 tuổi cho biết mắt bà đã nhìn được rõ hơn trước. (Ảnh: Getty)

Một số nghiên cứu khác cũng đang cho thấy kết quả tích cực trong việc phục hồi thị giác với phương pháp điều trị tế bào gốc. Vào đầu năm nay, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ đã chữa trị thành công cho các em bé bị đục thủy tinh thể bằng cách kiểm soát mức độ protein trong tế bào gốc.

Xa hơn thế nữa, một phụ nữ tại Baltimore từng bị mù trong hơn năm năm đã có thể nhìn thấy phần nào nhờ các tế bào gốc chiết xuất từ tủy xương của cô được tiêm vào mắt. Vẫn còn đó nhiều câu hỏi cần các nhà khoa học giải đáp, nhưng những phương pháp điều trị đặc biệt thông qua tế bào gốc rất đáng được quan tâm, nghiên cứu.

Liệu pháp mới của các nhà khoa học tại RIKEN được trình bày trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Thị lực và Nhãn khoa ở Seattle. Hy vọng, nó sẽ sớm được áp dụng trên diện rộng, mang lại ánh sáng cho nhiều bệnh nhân gặp vấn đề về mắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét