Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Thủy ngân "lơ lửng" trong không khí ở Hà Nội: Người dân làm gì để tránh ngộ độc?

Thủy ngân "lơ lửng" trong không khí

Thời gian gần đây, trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động. Số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường) gần đây nhất tính theo tuần từ 8-14/4, chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) Hà Nội ở mức 54-140. Tuần cuối tháng 2 đầu tháng 3, chỉ số AQI dao động 122-178. Theo thang đánh giá chất lượng không khí ảnh hưởng sức khỏe con người (chuẩn quốc tế), AQI mức độ tốt là dưới 50.
thủy ngân trong không khí

Bảng AQI và mức độ ảnh hưởng sức khỏe con người

Mới đây, ông Tùng còn cho biết thiết bị đo đạc quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân có trong bầu không khí thủ đô, song chưa xác định được chỉ số cụ thể. 

Mức độ nguy hiểm của thủy ngân

Thủy ngân là một loại kim loại rất độc và có thể gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe con người. Nếu đúng là không khí chứa thủy ngân thì mức độ độc hại càng tăng. Nếu con người hít phải không khí có chứa thủy ngân, thủy ngân sẽ len lỏi vào các mô, đặc biệt ở những nơi có chất nhày như phổi, khoang mũi... từ đó kích thích đường hô hấp, dẫn đến ho, khó thở, thiếu oxy...

Làn da khi tiếp xúc với không khí chứa thủy ngân có thể bị mẩn ngứa, phát ban, tím tái, đau nhẹ, dị ứng... Ở những vùng da càng mỏng thì khả năng dị ứng càng cao. 

Nếu tiếp xúc trong thời gian dài, thủy ngân còn có thể xâm nhập qua da, tấn công vào máu, ảnh hưởng đến lượng hồng cầu gây thiếu máu, mệt mỏi, xanh xao, đau choáng đầu, tinh thần không ổn định, rối loạn tâm trạng... Trong trường hợp ngộ độc thủy ngân cấp tính còn có thể gây chết người vì thủy ngân khi đã vào trong cơ thể người, chúng có thể dễ dàng liên kết với các chất béo trong máu và mô gây độc cho các cơ quan nội tạng như gan, lá lách... và hệ thần kinh. Phụ nữ mang thai hít phải thủy ngân trong không khí cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. 

thủy ngân trong không khí
Nếu đúng là không khí chứa thủy ngân thì mức độ độc hại càng tăng.

Phòng ngừa nhiễm độc thủy ngân trong không khí

Theo đánh giá của PGS TS Trần Hồng Côn, thủy ngân "lơ lửng" trong không khí có nhiều khả năng sinh ra từ các lò đốt rác thải y tế hoặc rác thải công nghiệp. Nếu đúng thế thì biện pháp xử lý là phải để các lò xử lý rác thải chặn thủy ngân ngay từ đầu, không bay ra không khí. 

Theo Ths.BS Lê Thị Phương Huệ, BV Thanh Nhàn, để tránh ngộ độc thủy ngân trong không khí, cần hạn chế việc tiếp xúc với thủy ngân bên ngoài môi trường bằng cách khi ra đường nên đeo khẩu trang, đeo kính mắt. Đặc biệt, với trẻ nhỏ người già có hệ hô hấp kém nên hạn chế ra đường, nhất là những nơi đông đúc để tránh tác nhân của khói bụi.

Sau khi ra ngoài đường về bạn cần vệ sinh, súc miệng uống thật nhiều nước vì  uống nhiều nước có thể đào thải chất độc thủy ngân qua đường thận. Bạn cũng nên ăn thật nhiều hoa quả tươi và có chế độ ăn thích hợp với nhiều chất sắt, canxi, vitamin C để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng.. 

Khi ra đường về nếu, có cảm giác buồn nôn, nhức đầu, đau họng, sốt... thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra xem bạn có dấu hiệu của ngộ độc thủy ngân hay không.

Nếu thấy người bị ngộ độc thủy ngân, tốt nhất nên đưa bệnh nhân đến nơi thông thoáng và khẩn cấp đưa tới bệnh viện để được xử lý kịp thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét