Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Chuyện của những chị em lưu trữ trứng chờ sinh con

Vài năm trở lại đây, việc gửi trứng đông lạnh để chờ sinh con không phải là chuyện quá xa lạ. Đây được xem là giải pháp, đáp ứng nhu cầu của những chị em chưa muốn sinh con nhưng vẫn giữ được trứng tốt lúc còn trẻ. Ngoài ra, đây cũng là cứu cánh cho những người phụ nữ không may gặp phải các căn bệnh nan y như ung thư.

Chị Trần Thị M (Đà Nẵng) cho biết khi vào guồng quay công việc, chị không thể dứt ra được. Chị nhận thấy “vận” của mình đang ngày càng lên nên chưa muốn có thai. Qua tìm hiểu, chị được biết, phụ nữ sinh con tốt nhất là trước 30 tuổi. Trong khi đó, năm nay chị đã 28 tuổi. Chị lên kế hoạch khoảng 35 tuổi mới sinh con. Do đó, chị chọn phương thức gửi trứng ở ngân hàng lưu trữ trứng tại bệnh viện Từ Dũ (TP HCM).

 chuyen cua nhung chi em luu tru trung cho sinh con - 1

Số lượng chị em tìm đến ngân hàng lưu trữ trứng ngày càng nhiều

Bài liên quan: 

Cũng là người làm việc tại công ty nước ngoài, chị Dương Thị Quỳnh H. gửi trứng với ý định vài năm nữa sinh thì con vẫn khỏe mạnh. Chi phí ban đầu chị gửi là 50 triệu đồng. Mỗi năm, chị phải mất thêm vài triệu để nuôi trứng. Chị cho biết phải trải qua khá nhiều bước như xét nghiệm, siêu âm, tiêm thuốc… Chị cũng chịu đựng đau đớn không ít khi các bác sĩ can thiệp vào cơ thể. Sau cùng, chị cũng đã hoàn thành kế hoạch của mình.

Trong khi đó, chị Trần Th chia sẻ, cách đây vài năm mẹ qua đời vì bệnh ung thư vú. Qua thăm khám, chị được biết mình có một cục u lành tính ở vú. Tuy nhiên, phải cắt bỏ sớm, nếu để thời gian dài, nó có thể trở thành u ác tính. Đồng thời, bác sĩ tư vấn, bệnh ung thư vú có nguy cơ di truyền.

Chị Th chưa có chồng nhưng vẫn vô cùng lo lắng về tương lai. Do đó, chị quyết định mua bảo hiểm cho tương lai của mình bằng cách bỏ ra số tiền không nhỏ gửi trứng vào ngân hàng trứng. “Tôi hy vọng vài năm nữa, khi lập gia đình, con sẽ ra đời khỏe mạnh, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ”, chị chia sẻ.

Một người phụ nữ khác cho biết đang điều trị ung thư. Trước khi điều trị, chị cũng chọn phương thức lưu trữ trứng. Lý do chị đưa ra trong quá trình điều trị chắc chắn cơ thể sẽ ảnh hưởng vì thuốc. Trong khi đó, trứng được gửi đông lạnh, sau này, lúc nào có ý định sinh con, lấy ra chất lượng vẫn ở độ tuổi hiện tại, khỏe mạnh. Thai nhi sẽ không ảnh hưởng gì vì thuốc chữa trị…

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà (Phó Trưởng khoa Sản A – Bệnh viện Từ Dũ) cho biết, số lượng phụ nữ tìm đến ngân hàng lưu trữ trứng ngày càng nhiều. Trong đó, phần lớn là những phụ nữ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến việc mang thai sau khi chữa bệnh. Họ là những người không thể dự đoán khả năng sinh con sau khi sử dụng thuốc. Do đó, kỹ thuật nuôi trứng non, tạo phôi, được xem là cứu cánh của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Theo bác sỹ Hà, khả năng sinh sản của phụ nữ giảm dần theo độ tuổi. Phụ nữ bước sang tuổi 30 bắt đầu có dấu hiệu giảm khả năng sinh sản. Sự suy giảm này biểu hiện rõ nét ở tuổi 35. Khi phụ nữ bước sang tuổi 45 thì khả năng thụ thai rất ít.

Còn theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (Phó Giám đốc bệnh viện Từ Dũ), phụ nữ muốn được lưu trữ trứng phải được khám âm đạo, siêu âm theo dõi noãn qua ngã âm đạo. Do đó, các phụ nữ chưa quan hệ tình dục khó có thể thực hiện.

Phụ nữ trước khi lấy trứng được xét nghiệm bệnh di truyền, bệnh lây qua đường tình dục, xét nghiệm xem buồng trúng có khả năng dự trữ hay không... Khi trải qua các bước này, đủ điều kiện, phụ nữ mới được chọc hút trứng. Việc chọc hút lấy trứng là quy trình can thiệp sâu, phải tiêm thuốc kích thích buồng trứng, phải gây mê và trải qua quy trình nghiêm ngặt.

Việc gửi trứng là điều quen thuộc ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc… Nhiều phụ nữ Việt Nam cũng ra tận nước ngoài để gửi trứng. Trong khi đó, ở Việt Nam, chi phí gửi trứng rẻ hơn nhiều so với nước ngoài. Do khoa học phát triển, thời gian cất giữ trứng có thể kéo dài đến 10 năm. 

Các chuyên gia cho hay, việc chọc hút trứng sẽ làm cho hai buồng trứng to hơn, gây cảm giác trì nặng ở bụng dưới. Sau khi lấy trứng, phụ nữ có thể đi lại, sinh hoạt bình thường nhưng phải nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng, không tập thể dục thể thao tránh nguy cơ xoắn buồng trứng, vỡ nang buồng trứng… 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét